Áo Quần - Vải Vóc
1. TẨY CÁC VẾT DẦU DÍNH TRÊN QUẦN ÁO :
Quần áo bị dính dầu trước hết cần nhúng nước sôi, sau đó tẩy theo một trong các cách sau đây thì sạch :
- Lấy củ cải trắng chà xát vào chỗ bị dính dầu rồi nhúng lại vào nước sôi.
- Dùng nước vôi giặt nếu là dầu cá.
- Dùng bột hoạt thạch rắc lên vết dầu rồi lấy giấy áp lên đoạn dùng bàn ủi, ủi qua.
- Dùng nước vo gạo tẩy giặt nếu là vết dầu khói nám.
2. TẨY VẾT RỈ SÉT NHIỄM BẨN QUẦN ÁO :
Một trong các phương pháp sau đây :
- Dùng giấm ăn tẩy.
- Dùng nước cốt củ cải trắng tẩy.
- Dùng bột hoạt thạch xát lên.
3. TẨY CÁC LOẠI KEO HOẶC NHỰA DÍNH TRÊN QUẦN ÁO :
- Dùng nhớt lươn, trạch giặt.
- Xát đường trắng lên rồi giặt nếu là nhựa thị.
- Ngâm giấm trắng nếu là nhựa cau.
- Dùng dầu hôi thấm lên rồi hong trên lò than đoạn giặt bằng nước lã hoặc xà phòng nếu là nhựa thông.
4. TẨY CÁC LOẠI ĐỒ ĂN, THỨC UỐNG, GIA VỊ DÍNH TRÊN QUẦN ÁO :
- Dùng bột mì đốt thành tro rắc lên trên, lấy giấy úp lên khoảng 10 phút rồi dùng bàn ủi, ủi lên giấy nếu vết dơ là các thứ nước trái cây.
- Dùng bột hoạt thạch hay xích thạch xát lên nếu là vết trà đậm.
- Dùng ngó sen giã lấy nước thoa lên nếu là vết tương, mỡ, rượu, giấm.
- Dùng bạch long cốt và hoạt thạch tán chung thành bột đổ lên rồi lấy bàn ủi ủi một lượt nếu là mỡ heo, gà, cá.
5. TẨY CÁC TẠP CHẤT DÍNH TRÊN QUẦN ÁO :
- Dùng khăn mùi soa thấm nước đắp lên rồi lấy hột bông vải ( Miên hoa tử ) đốt tán lấy bột, rắc lên, lấy giấy úp lên đoạn dùng đá đè lên một lúc nếu là vết máu dính đã lâu.
- Dùng sinh bán hạ chà xát rồi giặt nếu là vết máu.
- Dùng thanh ngưu bì hòa vào nước rồi giặt nếu là vết máu
- Ngâm nước rồi giặt với nước cơm hoặc nước quả táo giã nát nếu vết dơ là mực đen.
- Dùng cua giã lấy nước thoa lên vết dơ ngâm một thời gian rồi giặt với nước lạnh nếu là vết dơ là vết son hoặc thuốc nhuộm. Trong trường hợp vẫn còn vết ố, giã nát hạnh nhân thoa lên sẽ sạch hẵn.
- Dùng củ gừng giã vắt lấy nước cốt, đun nước sôi giặt nếu vết dơ là đất sét.
- Dùng nước dãi mèo tẩy vết nước đái chuột dính trên tơ lụa, vết dơ sẽ hết mà không tổn hại đến chất lượng và màu sắc tơ lụa.
- Dùng bột đậu đỏ giặt nếu là các vết cáu bẩn lâu ngày, thuốc tẩy không sạch.
- Dùng sơn tra tử sắc lấy nước, pha thêm chút giấm rồi giặt nếu có các vết dơ do tạp chất dính trên tơ, vải màu hồng. Vết dơ hết mà màu sắc không phai.
- Dùng keo mạch nha sắc với nước, giặt vài ba lần, các vết hoa văn ô nhiễm trên quần áo, vải vóc sẽ hết.
6. TẨY VẢI CHO THẬT TRẮNG :
Muốn tẩy các loại vải cho thật trắng, nên chọn ngày khô ráo, lấy đá vôi ngâm cho thật đậm, ngâm vải vào rồi đem phơi nắng liền hai ngày. Sau đó giặt sạch nước vôi, ngâm tiếp vào nước vôi lần nữa đoạn lại đem phơi cho đến khi vải có màu trắng tinh. Có thể dùng lơ lơ cho có sắc xanh rồi giặt sạch bằng nước, phơi khô vài lần đoạn ngâm vào nước tro loãng một giờ rồi rũ cho sạch. Giặt xong đem phơi sương độ 3, 4 đêm thì vãi rất trắng. Cần lưu ý: ngâm vôi có chừng kẻo vải bị mục.
7. CÁCH IN CHỮ TRÊN QUẦN ÁO MÀ KHÔNG PHAI :
Muốn in dấu hiệu lên quần áo để không lẫn lộn với quần áo của người khác, lấy sắt rỉ nung đỏ nhúng vào giấm đen vài lần rồi dùng giấm đó viết chữ, giặt sẽ không bị mất dấu. Nếu muốn dùng chỉ để viết, cần nung chì hơi hồng lên, thoa ít đường trắng lên chỗ cần viết thật mạnh tay như thế giặt cũng không bị mất dấu.
8. CÁCH GIỮ GÌN, SỬA SANG CÁC LOẠI GIÀY DA :
Muốn giày da không bị thấm nước, trước khi đi lấy dầu mè chùi lên các đường chỉ khâu, như thế nước sẽ không thấm vào giày. Nếu giày da cứng dùng mỡ gà chùi, giày vừa êm vừa bóng. Muốn giữ gìn giày bền lâu, lấy sữa bò tươi chà xát khắp giày. Nếu không có sẵn xi đánh giày có thể lấy lòng trắng trứng hòa với nhọ nồi mà chà, công dụng cũng không kém gì xi đánh giày. Xi đánh giày nếu khô, có thể cho mỡ cá hoặc sữa bò tươi vào, nhào mềm như cũ.